Các yếu tố gia tăng nguy cơ đột quỵ não

 

Đột quỵ não (hay còn gọi là tai biến mạch máu não) là tình trạng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng, xảy ra khi dòng máu cung cấp cho não bị gián đoạn hoặc có một mạch máu trong não bị vỡ. Khi đó, lượng oxy và dinh dưỡng nuôi các tế bào não bị giảm đáng kể. Trong vòng vài phút, các tế bào não bắt đầu chết dần và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

đột quỵ não
đột quỵ não

 

1. Các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ não có thể kiểm soát được

  • Bệnh tăng huyết áp (còn gọi là cao huyết áp): Nguy cơ đột quỵ não của một người bắt đầu tăng khi huyết áp duy trì ở trên mức 115/75 mmHg. Tăng huyết áp là nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ não, nó làm tổn thương thành động mạch và có thể làm tăng hoạt động đông máu, dẫn đến sự hình thành các cục máu đông gây đột quỵ nhồi máu não.

Việc kiểm soát huyết áp giúp giảm nguy cơ đột quỵ não một cách đáng kể, vì tăng huyết áp có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ từ hai đến sáu lần. Việc kiểm soát huyết áp có thể chỉ bằng lối sống lành mạnh, ăn uống khoa học, cũng có cần sử dụng tới các thuốc hạ áp.

  • Hút thuốc: Hút thuốc lá làm tăng gấp đôi nguy cơ đột quỵ não. Bên cạnh việc gây hại cho phổi, hút thuốc cũng làm tổn thương thành mạch máu, làm tăng quá trình xơ cứng động mạch, khiến cho tim phải làm việc nhiều hơn và làm tăng huyết áp.

Theo số liệu thống kê cho thấy có đến khoảng 50% số bệnh nhân đột quỵ trẻ tuổi có hút thuốc lá. Những nghiên cứu mới nhất cho thấy có sự tương quan giữa số lượng thuốc lá hút mỗi ngày và nguy cơ đột quỵ não.

Không chỉ những người hút thuốc lá trực tiếp, mà cả những người hút thuốc lá thụ động (hít phải khói thuốc lá) cũng chịu những ảnh hưởng xấu. Hút thuốc lá thụ động cũng làm tăng nguy cơ đột quỵ của một người.

  • Cholesterol cao: mức cholesterol từ 200 mg/dL trở xuống là tốt nhất cho người trưởng thành. Cholesterol dư thừa có thể tích tụ trên thành động mạch và dẫn đến tắc những mạch này.

Có khoảng từ 50-60% bệnh nhân trẻ tuổi bị nhồi máu não có rối loạn chuyển hóa mỡ máu, có sự khác biệt nhẹ giữa nam và nữ, trong đó nam giới hay gặp hơn nữ. Người trẻ tuổi với thói quen ăn uống có hại sức khỏe như ăn quá nhiều thức ăn nhanh, sử dụng các thực phẩm chế biến sẵn…, ngày càng đối diện với các bệnh lý mạch máu lớn và nhỏ sớm hơn như bệnh lý đột quỵ não, tim mạch …

  • Thừa cân và lười vận động: các nghiên cứu tại Hoa Kỳ cho thấy khoảng 10% các bệnh nhân trẻ tuổi đột quỵ não có thừa cân (chỉ số khối cơ thể BMI >30). Ngoài ra các chỉ số chu vi vòng bụng, tỉ lệ vòng bụng/vòng hông, tỉ lệ vòng bụng/chiều cao cũng có mối liên quan chặt chẽ hơn đến nguy cơ đột quỵ.

Toàn bộ hệ tuần hoàn bị quá tải và tình trạng thừa cân còn mở đường cho các yếu tố nguy cơ khác gây đột quỵ, như là cao huyết áp. Lối sống ngồi yên ít vận động làm gia tăng nguy cơ đột quỵ ở người trẻ tuổi.

Sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế kéo theo đó là chế độ ăn ít lành mạnh hơn. Giới trẻ ngày càng thích ngồi trước màn hình máy tính hoặc sử dụng điện thoại di động hơn là tham gia các hoạt động thể dục, thể thao. Từ đó làm nguy cơ đột quỵ ở người trẻ tuổi có xu hướng tăng dần.

  • Uống rượu bia: Theo các nghiên cứu cho thấy việc uống rượu bia, đặc biệt là rượu nặng có liên quan chặt chẽ đến sự tăng lên của bệnh lý xuất huyết não ở bệnh nhân trẻ tuổi. Nghiên cứu của Tạp chí Y khoa Lancet (Anh) về tình trạng sử dụng đồ uống có cồn tại 189 quốc gia và vùng lãnh thổ trong giai đoạn 1990 – 2017 cho thấy Việt Nam là quốc gia có tốc độ tiêu thụ rượu tăng lớn nhất thế giới, gần 90% kể từ năm 2010.

2. Các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ não không kiểm soát được

Bạn không thể thay đổi các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ sau đây, nhưng bạn có thể giảm thiểu ảnh hưởng của chúng tới tổng thể nguy cơ đột quỵ bằng cách tập trung vào việc giảm thiểu các yếu tố có thể kiểm soát được ở trên.
Các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ không kiểm soát được bao gồm:

  • Tuổi tác: Mặc dù hiện nay người trẻ tuổi cũng có thể bị đột quỵ, nhưng nguy cơ đột quỵ tăng gấp đôi mỗi 10 năm kể từ tuổi 55.
  • Giới tính: Nam giới có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn nữ giới một chút.
  • Chủng tộc: Theo các số liệu thống kê cho thấy người Mỹ gốc Phi có nguy cơ đột quỵ cao hơn gần gấp đôi so với người da trắng.
  • Tiền sử gia đình: nếu trong gia đình bạn từng có người bị đột quỵ thì bạn có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn.

 

  • Đái tháo đường: Các vấn đề về tuần hoàn liên quan đến bệnh đái tháo đường có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ, thậm chí ngay cả khi mức insulin và mức đường huyết được kiểm soát chặt chẽ.

Đái tháo đường và tăng huyết áp: Bệnh đái tháo đường gặp ở 30% bệnh nhân đột quỵ trẻ. Đặc biệt trong khu vực Đông Nam Á, tỷ lệ bệnh nhân bị nhồi máu não trẻ tuổi mắc bệnh đái tháo đường lên tới 54.8%. Tại Việt Nam, đang có sự gia tăng nhanh bệnh tiểu đường ở người trẻ tuổi, thậm chí với trẻ em. Nhiều trường hợp ghi nhận mắc bệnh đái tháo đường ở trẻ nhỏ từ 9 đến 13 tuổi, thanh niên từ 20 đến dưới 30 tuổi.

  • Bệnh lý tim mạch: Bị đau tim có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ của bạn. Một yếu tố nguy cơ bổ sung gây đột quỵ là một bất thường ở tim được gọi là rung tâm nhĩ (AF), đây là một loại bất thường nhịp tim đặc biệt, nó ảnh hưởng đến trên một triệu người Mỹ.
  • Đột quỵ tái phát: Một người có tiền sử đột quỵ sẽ có nguy cơ cao bị một lần đột quỵ khác. Nguy cơ này kéo dài trong khoảng năm năm và sau đó giảm dần theo thời gian. Nguy cơ cao nhất là trong vòng vài tháng đầu tiên sau lần đột quỵ trước. Những người đã từng bị đột quỵ có thể hưởng lợi từ các loại thuốc kê đơn để giảm nguy cơ đột quỵ não của mình.
  • Cơn thiếu máu não thoáng qua (đột quỵ nhẹ): Một người bị một cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA) sẽ cơ nguy cơ bị đột quỵ lớn trong tháng, thường là trong hai ngày. Các loại thuốc, bao gồm aspirin có thể được kê đơn để giúp ngăn ngừa cơn đột quỵ trong tương lai.
  • Bệnh lý dị dạng mạch máu não: Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nên đột quỵ xuất huyết não ở những người trẻ tuổi. Sự phát triển bất thường của mạch máu não có thể hình thành những túi phình với thành mạch máu mỏng, đây là nguyên nhân có thể gây đột quỵ xuất huyết não.

 

Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 15 triệu người mắc đột quỵ não, trong đó có khoảng 5 triệu người bị tàn phế vĩnh viễn và 5 triệu người tử vong. Chính vì vậy, chúng ta cần phải có các biện pháp phòng tránh đột quỵ não kịp thời. Từ các nguyên nhân trên, ta thấy rằng đột quỵ có thể được đẩy lùi, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi nhờ những thói quen sinh hoạt lành mạnh như:

  • Tích cực vận động thể dục thể thao.
  • Nói không với thuốc lá.
  • Hạn chế uống bia rượu.
  • Hạn chế việc các loại thực phẩm chế biến sẵn, sử dụng các loại thức ăn nhanh.

Kiểm tra sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm bệnh đột quỵ, từ đó có kế hoạch điềù chỉnh chế độ ăn uống sinh hoạt sớm sẽ giúp giảm nguy cơ dẫn đến đột quỵ não.

Phục hồi chức năng đột quỵ não
Phục hồi chức năng đột quỵ não

 

Xin xem thêm tại:

Phục hồi chức năng tại nhà.

Phục hồi chức năng sau tai biến mạch máu não.

Châm cứu trị đau lưng.

 

Gọi ngay