Thủy Đậu ( Varicella )

Bệnh thủy đậu, hay còn gọi là trái rạ, là bệnh do virus gây ra. Bệnh lây truyền rất nhanh, ảnh hưởng đến da và niêm mạc. Bệnh Thủy đậu do virus Varicella zoster gây ra. Bệnh chủ yếu ở trẻ em.

1.Định nghĩa:

Bệnh thủy đậu, hay còn gọi là trái rạ, là bệnh do virus gây ra. Bệnh lây truyền rất nhanh, ảnh hưởng đến da và niêm mạc. Bệnh Thủy đậu do virus Varicella zoster gây ra. Bệnh chủ yếu ở trẻ em.

Thủy đậu
Thủy đậu

2.Nguyên nhân và dịch tễ:

Do Varicella zoster virus một loại Herpes Virus gây nên. Do tiếp xúc trực tiếp, do hít phải các giọt nhỏ trong không khí từ mũi và miệng của người bệnh, lây do gián tiếp không thường gặp. Bênh nhân có tính lây truyền từ vài ngày trước khi nổi ban cho đến hết đợt mọc mụn nước cuối cùng.

Bệnh thuỷ đậu rất hay lây như lây ở trường học, nhà trẻ và đa số người lớn ở thành thị đều đã mắc phải, miễn dịch bền vững.

Mùa: hay xảy ra vào mùa đông-xuân.

Tuổi: 90% số ca xuất hiện ở trẻ em dưới 10 tuổi, 5% ở lứa tuổi > 15 tuổi.

3.Triệu chứng lâm sàng bệnh Thủy đậu:

+Thời kỳ ủ bệnh:

14 ngày ( thay đổi từ 10-23 ngày)

+Tiền triệu:

tiền triệu thì tuỳ trường hợp rõ nhiều hay ít: nhức đầu, khó ở, sổ mũi, đau mình ở trẻ em tiền triệu nhẹ hoặc không có, ở người lớn thường rõ hơn.

+ Giai đoạn toàn phát:

Sau 24- 36h khi có tiền triệu xuất hiện sốt vừa phải và phát ban.

– Vị trí, phân bố: tổn thương ban đầu mọc ở đầu và mặt, sau đó lan ra thân mình và các chi. Mọc nhiều ở vùng ít tỳ ép như: vùng liên bả, bên sườn, nách, kheo, có khi dầy đặc ở mặt và thân mình, ít hơn ở các chi. Bàn chân và bàn tay hiếm khi bị.

– Ngoại ban ban đầu dạng vết chấm ,sẩn ( thường không quan sát thấy), có khi là sẩn phù và nhanh chóng thành mụn nước( trong vòng 24h – 48h), mụn nước như ” giọt nước” hoặc “giọt sương” trên cánh hoa hồng, nông, thành mỏng, có quầng viêm đỏ xung quanh. Thường kèm theo có ngứa.

– Mụn nước chứa dịch màu vàng nhạt, trở nên lõm rốn và nhanh chóng trở thành mụn mủ, màu mủ trắng mịn, và thành vẩy tiết màu đỏ nâu trong vòng 8- 12h. Vẩy tiết rụng sau 1-3 tuần, khỏi để lại vết hồng, một số có nền hơi lõm, có thể thành sẹo một thời gian dài hay sẹo vĩnh viễn.

– Tính chất nhiều lứa tuổi: Vì phát ban rải ra thành những đợt liên tiếp người  ta thấy cùng một lúc đồng thời có tất cả các thành phần của ban có lứa tuổi khác nhau: sẩn, mụn nước, mụn mủ, vẩy tiết (dấu hiệu đặc trưng).

– Niêm mạc: có mụn nước( thường không quan sát được) tiếp sau là trợt nông( 2 -3 mm) thường gặp nhất ở vòm khẩu cái nhưng cũng có khi xuất hiện ở niêm mạc mũi, màng tiếp hợp, hầu họng, thanh quản, khí quản, đường tiêu hoá, đường tiết niệu, âm đạo, ban gây vết trợt khó chịu, mất đi trong 6 – 8 ngày.

– Toàn thân: sốt nhẹ.mệt mỏi nhẹ.Nếu bội nhiễm có hạch sưng.

Hình ảnh thủy đậu
Hình ảnh thủy đậu

4.Chẩn đoán:

– Chưa mắc thuỷ đậu bao giờ.

– Khái niệm bị lây 2 – 3 tuần trước.

– Triệu chứng toàn thân kín đáo ngay trước hay cùng lúc với phát ban.

– Có cùng một lúc những thành phần của ban có lứa tuổi khác nhau.

– Giảm bạch cầu.

– Kính phết tế bào.

– Nuôi cấy virus (ít làm).

5.Điều trị bệnh thủy đậu:

– Nằm nghỉ trong thời kì có sốt.

– Thuốc bôi chống  bội nhiễm: bôi thuốc màu, hồ nước, mỡ kháng sinh ( mỡ Bactroban,Fucidin), mỡ chống virus acyclovir.

– Uống Acyclovir uống làm giảm độ nặng của bệnh và giảm các ca nhiễm thứ phát 200mg x 5 viên/ngày.

– Điều trị triệu chứng ngứa: uống kháng Histamine tổng hợp.

– Kháng sinh chống bội nhiễm vi khuẩn: uống Erythromycin, Cephalexin.

– Tránh gãi vì có thể gây sẹo vĩnh viễn.

– Trong các thể nặng tuyệt đối tránh sử dụng Corticoid, chú ý cân bằng nước, điện giải.

– Điều trị thuỷ đậu lan tràn dùng Acyclovir đường tĩnh mạch hoặc Vidarabin cho các ca thuỷ đậu nặng, viêm phổi thuỷ đậu, viêm não thuỷ đậu và thuỷ đậu ở người thiếu hụt miễn dịch.

6.Phòng ngừa:

Vaccine chống thủy đậu có hiệu quả cao và lâu dài, giúp cơ thể tạo kháng thể chống lại virus thủy đậu, được áp dụng đối với các đối tượng sau:

– Tất cả trẻ em từ 12-18 tháng tuổi được tiêm 1 lần.

– Trẻ em từ 19 tháng tuổi đến 13 tuổi chưa từng bị thủy đậu lần nào, cũng tiêm 1 lần.

– Trẻ em trên 13 tuổi và người lớn chưa từng bị thủy đậu lần nào, thì nên tiêm 2 lần, nhắc lại cách nhau từ 4-8 tuần.

Hiệu quả bảo vệ của vaccine thủy đậu có tác dụng lâu bền.

Nếu đã được chủng ngừa vaccine thủy đậu thì đại đa số từ 80-90% có khả năng phòng bệnh tuyệt đối.

 

Gọi ngay