CHÂM CỨU ĐIỀU TRỊ SỤP MI MẮT
Sụp mi mắt là sự sa của mi mắt trên xuống thấp hơn vị trí bình thường của nó (bình thường mi trên phủ rìa giác mạc cực trên khoảng 1 – 2mm). Theo y học cổ truyền sụp mi mắt còn được gọi là Thượng bào hạ thùy. Chứng này dùng châm cứu điều trị có hiệu quả tốt.
Y HỌC HIỆN ĐẠI
Định nghĩa
Sụp mi mắt là sự sa của mi mắt trên xuống thấp hơn vị trí bình thường của nó (bình thường mi trên phủ rìa giác mạc cực trên khoảng 1 – 2mm).
Chủ yếu là một bên hoặc cả 2 bên mi mắt trên sụp xuống, không mở lên được.
Nguyên nhân và Phân loại
1.Sụp mi bẩm sinh
Chiếm khoảng 55% – 75% các trường hợp sụp mi.
2.Sụp mi mắc phải
Sụp mi mắc phải có thể xuất hiện lúc sinh. Và do đó có thể bị nhầm với sụp mi bẩm sinh. Tỷ lệ sụp mi mắc phải chiếm khoảng 25% tổng số trường hợp sụp mi và được chia làm 5 nhóm:
a. Sụp mi do tổn thương thần kinh (nguồn gốc trung tâm hoặc ngoại biên): Liệt vận nhãn, liệt thần kinh III, hội chứng khe giơi, hội chứng xoang hang, hội chứng cuống não…
b. Sụp mi do cơ: Nhược cơ, bệnh cơ do ty lạp thể,…
c. Sụp mi do chấn thương: chấn thương đụng dập, phẫu thuật hốc mắt, phẫu thuật thần kinh…
d. Sụp mi do tác nhân cơ giới: u, sa da mi, sẹo…
e. Sụp mi do cân: thường gặp ở người lớn tuổi, mi mỏng…
3.Giả sụp mi
Là tình trạng mi mắt trông có vẻ thấp hơn bình thường, nguyên nhân gồm:
– Lõm mắt hoặc lồi mắt bên đối diện.
– Thừa da mi trên quá mức.
– Nhãn cầu nhỏ.
– Không có nhãn cầu, teo nhãn cầu.
– Lác lên hoặc xuống đối bên.
– Co rút mi trên ở một mắt có thể làm cho mắt bên kia có vẻ sụp.
– Lõm mắt hoặc lồi mắt bên đối diện.
– Epicanthus và sự không cân đối của khuôn mặt.
– Hẹp khe mi phối hợp với hội chứng Duanés.
Y HỌC CỔ TRUYỀN
Theo y học cổ truyền sụp mi mắt còn được gọi là Thượng bào hạ thùy.
Còn gọi là Thượng kiểm hạ thùy, Xâm phong, Huy mục.
Chứng này dùng châm cứu điều trị có hiệu quả tốt trong các trường hợp sụp mi cơ năng, sụp mi do nhược cơ và chấn thương.
Nguyên nhân
- Tiên thiên bất túc, nguyên dương suy nhược, không ôn ấm được tỳ thổ. Mi mắt không được nuôi dưỡng sinh ra bệnh.
- Hậu thiên kém dinh dưỡng, Tỳ Vị bất hòa, khí huyết sinh hóa bị bất túc. Mi mắt không được nuôi dưỡng sinh ra bệnh.
- Tấu lý không kín, ngoại tà xâm nhập vào lạc mạch ở mi mắt làm cho khí huyết bị ủng trệ, khiến cho mi mắt bị sụp xuống.
- Cũng có khi do giang mai độc, bị chấn thương gây nên.
Các thể bệnh và điều trị
1.Tỳ thận dương hư
-Triệu chứng: Mi mắt sụp xuống, không mở lên được, nhìn vật hóa thành hai, phải nhướng trán, phình miệng hoặc dùng tay mới nâng mi mắt lên được.
-Pháp điều trị: Ôn dương, ích khí, thăng đề.
-Phương huyệt:
+ Dương bạch, Ngư yêu, Toản trúc, Ty trúc không, Đồng tử liêu: Là các huyệt cục bộ để hành khí, hoạt huyết, thông lạc.
+Thượng tinh, Bách hội: là huyệt chủ yếu để thăng đề dương khí, dẫn khí của các mạch chạy lên đầu, mắt.
+Mệnh môn, Thận du, Quan nguyên: ôn dương, ích khí, bồi bổ cho tiên thiên.
2.Tỳ khí hư yếu
-Triệu chứng: Mi mắt sụp xuống, lúc đầu còn hơi nhẹ, sau đó nặng dần, mắt không chuyển động được, nhìn một hóa hai. Cơ thể mệt mỏi không có sức.
-Pháp điều trị: Kiện tỳ, ích khí.
-Phương huyệt:
+Dương bạch, Ngư yêu, Toản trúc, Đồng tử liêu, Ty trúc không: Là các huyệt cục bộ để hành khí, hoạt huyết, thông lạc.
+Thượng tinh, Bách hội: là huyệt chủ yếu để thăng đề dương khí, dẫn khí của các mạch chạy lên đầu, mắt.
+Khí hải: bồi bổ nguyên khí.
+Túc tam lý: huyệt Hợp của kinh Vị.
+Tỳ du, Vị du: là bối du huyệt của Tỳ và Vị.
3.Phong trúng lạc của mi mắt
-Triệu chứng: Mi mắt sụp xuống, lúc đầu còn hơi nhẹ, sau đó nặng dần, mắt không chuyển động được, nhìn một hóa hai. Sợ gió, sợ lạnh, đau đầu, mạch phù hoặc có dấu hiệu của cảm phong hàn.
-Pháp điều trị: Sơ phong, thông lạc, ích khí, thăng đề.
-Phương huyệt:
+Dương bạch, Ngư yêu, Toản trúc, Đồng tử liêu, Ty trúc không: Là các huyệt cục bộ để hành khí, hoạt huyết, thông lạc.
+Thượng tinh, Bách hội: là huyệt chủ yếu để thăng đề dương khí, dẫn khí của các mạch chạy lên đầu, mắt.
+Phong trì, Hợp cốc để sơ tán ngoại phong.
Xoa bóp – bấm huyệt
Các thủ thuật: day, xoa, miết, ấn, các cơ và các huyệt xung quanh vùng mắt.
Xoa bóp – bấm huyệt là một kích thích vật lý. Nó trực tiếp tác động vào da thịt, thần kinh, mạch máu và các cơ quan cảm thụ gây nên những thay đổi về thần kinh, thể dịch, nội tiết qua đó nâng cao năng lực hoạt động của hệ thần kinh, nâng cao quá trình dinh dưỡng của cơ thể. Xoa bóp làm giãn mạch máu, tăng tuần hoàn tại chỗ. Tăng tuần hoàn, góp phần chống viêm, giảm phù nề. Luồng máu tới sẽ tăng cường trao đổi chất, mang oxy tới cho tế bào và mang đi các chất thải cặn bã.
Điều trị liệt nói chung và liệt dây thần kinh III, IV do chấn thương, sau phẫu thuật bằng các phương pháp không dùng thuốc của Y học cổ truyền trên thực tế mang lại hiệu quả rất tốt cho bệnh nhân.
Tham khảo thêm:
- Đau thắt lưng
- Điều trị đau cổ vai gáy tại nhà
- Các bệnh khác
- Phục hồi chức năng cho người tai biến mạch máu não tại nhà
- Châm cứu tại nhà
- Dịch vụ trị liệu tại nhà