ĐIỀU TRỊ LÁC CƠ NĂNG BẰNG ĐIỆN CHÂM

Lác cơ năng là hiện tượng mắt bị lệch, có thể lệch vào trong hoặc lệch ra ngoài do sự không cân bằng của các cơ vận nhãn. Điều này ngăn cản hai mắt cùng nhìn về một hướng. Một mắt có thể nhìn vào trong, ra ngoài, lên trên hoặc xuống dưới. Khoảng 4% dân số mắc tật này.

1. ĐẠI CƯƠNG

Lác xuất hiện rất sớm, nhất là lác trong xuất hiện vào khoảng 1,2 hoặc 3 tuổi, có cả lác trong bẩm sinh. Lác ngoài xuất hiện chậm hơn thường là sau 6,7 tuổi . Phân loại lác chủ yếu chia làm 2 loại: lác cơ nănglác liệt.

Lác cơ năng ở trẻ em
Lác cơ năng ở trẻ em

Yếu tố di truyền cũng khá rõ trong lác.

Lác là một bệnh hay gặp biểu hiện ở 2 vấn đề chính:

  • Rối loạn vận động nhãn cầu dẫn đến sự lệch trục nhãn cầu (gọi là lác).
  • Rối loạn chức năng của mắt: nhược thị, mất thị giác 2 mắt.

Trong điều trị lác nhằm đạt 2 yêu cầu:
+ Đem lại sự thăng bằng cho mắt.
+ Phục hồi thị giác hai mắt .

– Theo y học cổ truyền Can Tỳ hư nhược dẫn đến sự nuôi dưỡng các cơ vận nhãn kém hoặc do Phong nhiệt làm cho kinh lạc ở mắt không thông gây nên bệnh .

2. CHỈ ĐỊNH

Tất cả bệnh nhân bị lác cơ năng, mọi lứa tuổi. Cần điều trị sớm .

3. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

– Lác bẩm sinh

– Trẻ suy dinh dưỡng nặng

4. CHUẨN BỊ

4.1. Người thực hiện

Bác sỹ, Y sỹ được đào tạo về chuyên ngành y học cổ truyền được cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.

4.2. Phương tiện

– Kim châm cứu vô khuẩn, dài từ 5 – 10 cm, dùng riêng cho từng người

– Máy điện châm hai tần số bổ, tả

– Khay men, bông, cồn 70, kẹp có mấu

4.3. Người bệnh

– Được khám và làm hồ sơ bệnh án theo quy định

– Tư thế người bệnh nằm ngửa, gối cao hoặc ngồi .

5. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

5.1. Phác đồ huyệt

* Thực chứng

– Lác trong, châm tả các huyệt:

+ Ngư yêu + Thái dương + Ty trúc không

+ Đồng tử liêu + Tứ Bạch + Thừa khấp

+ Phong trì + Hợp cốc ( hai bên)

– Lác ngoài, châm tả các huyệt:

+ Ngư yêu + Toản trúc + Tình minh

+ Tứ bạch + Thừa khấp + Phong trì

+ Hợp cốc ( hai bên)

* Hư chứng:

Ngoài các huyệt như thực chứng như trên, châm bổ các huyệt Tam âm giao (hai bên)

5.2. Thủ thuật

– Bước 1 Xác định và sát trùng da vùng huyệt

– Bước 2 Châm kim vào huyệt theo các thì sau

Thì 1 Tay trái dùng ngón tay cái và ngón trỏ ấn, căng da vùng huyệt; Tay phải châm kim nhanh qua da vùng huyệt.

Thì 2 Đẩy kim từ từ tới huyệt, kích thích kim cho đến khi đạt“Đắc khí” (bệnh nhân có cảm giác căng, tức, nặng vừa phải, không đau ở vùng huyệt vừa châm kim, thầy thuốc cảm giác kim mút chặt tại vị trí huyệt).

– Bước 3. Kích thích huyệt bằng máy điện châm

Nối cặp dây của máy điện châm với kim đã châm vào huyệt theo tần số bổ- tả của máy điện châm

– Tần số (đặt tần số cố định) Tần số tả từ 5 – 10Hz, Tần số bổ từ 1 – 3Hz.

– Cường độ nâng dần cường độ từ 0 đến 150 micro Ampe (tuỳ theo mức chịu đựng của người bệnh).

+ Thời gian 20- 30 phút cho một lần điện châm.

– Bước 4. Rút kim, sát khuẩn da vùng huyệt vừa châm.

5.3. Liệu trình điều trị

Điện châm ngày một lần

– Một liệu trình điều trị từ 25 – 30 lần điện châm.

6. THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN

6.1. Theo dõi toàn trạng

6.2. Xử trí tai biến

– Vựng châm

Triệu chứng: Người bệnh hoa mắt, chóng mặt, vã mồ hôi, mạch nhanh, sắc mặt nhợt nhạt.

Xử trí: Tắt máy điện châm, rút kim ngay, lau mồ hôi, ủ ấm, uống nước chè đường nóng, nằm nghỉ tại chỗ. Day bấm các huyệt Thái dương, Nội quan. Theo dõi mạch, huyết áp.

– Chảy máu khi rút kim dùng bông khô vô khuẩn ép tại chỗ, không day.

 

 

Tham khảo thêm:

Dịch vụ xoa bóp bấm huyệt tại nhà
Dịch vụ xoa bóp bấm huyệt tại nhà

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Gọi ngay