Corticoid là gì?Tác dụng phụ của corticoid?

Corticoid hay còn gọi là corticosteroid, glucocorticosteroid (GC).

Trong cơ thể Corticoid tự nhiên được cơ thể sản xuất do vùng bó ở vỏ tuyến thượng thận sản xuất ra gồm có 2 chất là Hydrocortison (Cortisol) và Cortison có tác động tới hầu hết các tế bào thông qua quá trình chuyển hóa carbohydrate, protein và chất béo.

Corticoid tổng hợp được tổng hợp theo cấu trúc và chức năng của corticoid tự nhiên, gồm rất nhiều chất khác nhau và được sử dụng rất phổ biến.

Các thuốc trong nhóm dù có nguồn gốc tự nhiên hay tổng hợp đều có các đặc điểm tác dụng như nhau chỉ khác nhau về mức độ chống viêm, giữ muối nước và thời gian tác dụng.

Tác dụng của Corticoid

Cơ thể luôn sản xuất corticoid ở ngưỡng vừa đủ để đáp ứng nhu cầu sinh lý cho các tế bào. Ở nồng độ sinh lý, corticoid giúp duy trì cân bằng nội môi, làm tăng sức chống đỡ của cơ thể với stress và giúp duy trì các chức năng khác của cơ thể.

Trên quá trình chuyển hoá

  • Chuyển hoá lipid:  làm thay đổi sự phân bố lipid trong cơ thể, làm tăng tổng hợp mỡ ở thân, giảm tổng hợp mỡ ở chi, do đó mỡ sẽ tập trung nhiều ở mặt, nửa thân trên như vai, gáy gây hội chứng gù trâu (Cushing). Hậu quả là làm tăng acid béo tự do trong huyết tương và tăng tạo các chất Cetonic trong cơ thể.
Hội chứng cushing do làm dụng thuốc kéo dài
  • Chuyển hoá Protid: corticoid gây ức chế tổng hợp protid, thúc đẩy quá trình dị hóa protid để chuyển acid amin từ cơ, xương vào gan nhằm tân tạo glucose. Nếu sử dụng corticoid lâu ngày sẽ gây teo cơ, xốp xương, tổ chức liên kết kém bền vững.
  • Chuyển hoá Glucid: corticoid làm tăng đường huyết do kích thích enzym gan tăng ly giải protein tạo glucose. Bên cạnh đó, corticoid còn làm tăng tổng hợp glucagon, làm giảm tổng hợp insulin. Khi dùng lâu dài có thể gây đái tháo đường và làm nặng thêm bệnh đái tháo đường.
  • Chuyển hóa muối nước: corticoid tăng thải kali qua nước tiểu gây giảm K + máu. Tăng thải calci qua thận, giảm tái hấp thu calci ở ruột, làm nồng độ Ca++ máu giảm, để duy trì Ca++  của máu, cơ thể sẽ tăng cường lấy Ca++  từ xương. Hậu quả là làm xương xốp, dễ gãy, còi xương, chậm lớn. Bên cạnh đó tăng tái hấp thu natri và nước do đó gây phù và tăng huyết áp.

Tác dụng trên các cơ quan

  • Trên hệ tiêu hoá: corticoid làm giảm sản xuất lớp chất nhầy có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ, ngoài ra làm tăng tiết acid dịch vị và pepsin gây kích ứng niêm mạc từ đó dễ gây loét dạ dày tá tràng.
  • Trên thần kinh trung ương: gây kích thích hệ thần kinh trung ương cảm giác bồn chồn, mất ngủ, gây ảo giác hoặc các rối loạn về tâm thần khác.
  • Ức chế miễn dịch: Corticoid làm teo các cơ quan lympho do đó làm giảm số lượng tế bào lympho. Ngoài ra gây ức chế chức năng thực bào, quá trình sản xuất kháng thể, và quá trình hóa hướng động và sự dịch chuyển của bạch cầu.
  • Tác dụng chống dị ứng: Khi dị nguyên xâm nhập vào cơ thể, nó sẽ kết hợp đặc hiệu với kháng thể IgE. Phức hợp này sẽ gắn vào bề mặt của dưỡng bào (tế bào mast) và bạch cầu làm hoạt hoá phospholipase C. Phospholipase C xúc tác cho quá trình chuyển Phosphatidyl Inositol Diphosphat thành Diacylglycerol và Inositol Triphosphat làm thay đổi tính thấm của dưỡng bào và làm vỡ bạch cầu, giải phóng ra các chất trung gian của phản ứng dị ứng như Histamin, Serotonin,..  Corticoid ức chế Phospholipase C do đó làm giảm giải phóng histamin và các chất trung gian hoá học gây dị ứng. Vì vậy thuốc có tác dụng chống dị ứng
  • Tác dụng chống viêm: Corticoid ức chế Phospholipase A2, làm giảm tổng hợp Leukotriene và Prostaglandin. Ngoài ra nó còn có tác dụng ức chế dòng bạch cầu đơn nhân, đa nhân, lympho bào đi vào mô để gây khởi phát phản ứng viêm. Từ đó gây giảm các phản ứng gây viêm.

Tác dụng phụ của corticoid

Vì cơ quan đích của corticoid là hầu hết các tế bào và corticoid ảnh hưởng đến đến rất nhiều quá trình chuyển hóa trong cơ thể nên khi dùng thuốc cũng gây ra nhiều tác dụng không mong muốn trên rất nhiều cơ quan trong cơ thể. Tùy theo hàm lượng và thời gian sử dụng thuốc mà các tác dụng phụ là khác nhau, trên cơ địa mỗi người cũng là khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung  liều càng cao, nguy cơ gặp tác dụng phụ càng lớn.

Việc sử dụng corticoid trong thời gian ngắn từ 1-2 tuần đầu thường không gây tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc gặp phải những tác dụng phụ nhẹ, dễ nhận biết như bồn chồn, khó ngủ, hay kích ứng dạ dày

Tuy nhiên khi sử dụng trong thời gian dài hoặc dùng đợt ngắn nhưng lặp đi lặp lại nhiều lần dễ gặp phải các tác dụng phụ như: ban đỏ, rạn da, teo da, chậm liền sẹo, mụn trứng cá, gây đau thượng vị, loét dạ dày tá tràng, tăng nguy cơ nhiễm trùng, khởi phát nhiễm trùng tiềm tàng, ở các vị trí khác nhau.

Ban đỏ, mụn trứng cá khi sử dụng corticoid.

Tiếp đến có thể xảy ra các tác dụng phụ nguy hiểm hơn như làm rối loạn các quá trình chuyển hóa trong cơ thể như làm tăng lipid máu, mất cân bằng quá trình kiểm soát đường huyết (làm tăng đường huyết)  hoặc làm nặng thêm bệnh tiểu đường, loãng xương, xốp xương, rối loạn phân bố mỡ- hiện tượng gù trâu.

Tác dụng phụ nguy hiểm nhất khi sử dụng corticoid trong thời gian dài là có nguy cơ teo tuyến thượng thận do luôn có sự hiện diện của corticoid trong cơ thể và tuyến thượng thận quen với tình trạng có thuốc trong cơ thể. Tuyến thượng thận sẽ không bài tiết hormon như bình thường nữa và ngừng hoạt động. Diễn ra lâu dài và lâu dần làm teo tuyến thượng thận.

tuyến thượng thận

Xin xem thêm tại:

Dịch vụ trị liệu tại nhà.

Châm cứu điều trị đau thắt lưng.

Viêm quanh khớp vai.

 

Gọi ngay