Bệnh Basedow

Basedow là 1 bệnh cường giáp do hoạt động quá mức không ức chế được của tuyến giáp dẫn tới tăng sản xuất hormon tuyến giáp, gây nên các tổn hại về mô và chuyển hóa.

1.Định nghĩa:

Basedow là 1 bệnh cường giáp do hoạt động quá mức không ức chế được của tuyến giáp dẫn tới tăng sản xuất hormon tuyến giáp, gây nên các tổn hại về mô và chuyển hóa. Basedow là nguyên nhân gây cường giáp hay gặp nhất.

2.Nguyên nhân:

Do sự hoạt động bất thường của hệ miễn dịch. Khi đó, hệ miễn dịch sẽ tự tấn công ngược lại các mô trong cơ thể và dẫn đến tuyến giáp hoạt động bất thường. Chính sự hoạt động bất thường của cơ quan này làm cho hormone tuyến giáp được sản xuất nhiều hơn bình thường. Đây là bệnh có thể di truyền nhưng không lây lan cho người khác.

3.Chẩn đoán xác định bệnh Basedow:

3.1.Lâm sàng:

  • Bướu cổ
  • Biểu hiện mắt: lồi mắt thực sự 1 hay 2 bên, co cơ mi với nhiều mức độ khác nhau, mất đồng vận nhãn cầu mi trên, phù nề mi mắt, liệt cơ vận nhãn…
  • Dấu hiệu cường giáp:

+  Các dấu hiệu toàn thân: gầy sút dù ăn nhiều…

+ Tim mạch: hồi hộp, đánh trống ngực, nhịp tim nhanh thường xuyên trên > 90 chu kì/ phút, tăng lên khi xúc động.

+ Tiêu hóa: tăng nhu động ruột, tiêu chảy.

+ Thần kinh – cơ: run tay, run lan tỏa, ưu thế ngọn chi, nhanh, thường xuyên, tăng khi xúc động.teo cơ, ưu thế gốc chi, giảm cơ lực, dấu hiệu ghế đẩu (+). Có thể kèm theo bệnh nhược cơ. Có thể gặp hạ kali máu ở bệnh nhân nam giới, trẻ tuổi gây liệt 2 chi dưới.

+ Tăng nhẹ nhiệt độ da, sợ nóng, ra nhiều mồ hôi.

+ Rối loạn tâm thần: kích thích, trầm cảm, rối loạn chức năng sinh dục, giảm ham muốn…

+ Các dấu hiệu khác: sạm da, rụng tóc, da nóng ẩm, vú to nam giới…

  • Phù niêm trước xương chày: tổn thương màu vàng hay đỏ cam, da sần sùi thường đối xứng 2 bên, ở vùng cẳng tay hay mu chân, ấn không lõm, không đau.
    Biểu hiện bệnh basedow
    Biểu hiện bệnh basedow

3.2.Cận lâm sàng:

  •  Xét nghiệm đặc hiệu FT3, FT4 tăng, TSH giảm.
  • Xét nghiệm khác: CTM có thể có thiếu máu thiếu sắt, HC nhỏ hoặc HC to, có thể có hạ kali máu.
  • SA tuyến giáp ( điển hình ): tuyến giáp to, lan tỏa, giảm âm, không có nhân.
  • Điện tâm đồ: thường nhịp nhanh xoang, có thể thấy rung nhĩ, NTT, hình ảnh dày thất trái nếu đã có biến chứng tim mạch.

4.Chẩn đoán phân biệt:

Chẩn đoán phân biệt  với các nguyên nhân gây cường giáp.

  • Cường giáp do điều tri L-thyroxin.
  • Bướu (đơn hoặc đa) nhân độc tuyến giáp.
  • Cường giáp do viêm tuyến giáp bán cấp.
  • Cường giáp do u tuyến yên tiết TSH.
  • Cường giáp do mãn kinh.

5.Biến chứng bệnh Basedow:

  •  Biến chứng tim mạch: Các rối loạn nhịp tim, suy tim, suy vành cũng thường nặng thêm bởi cường giáp,..
  •  Biến chứng mắt: Viêm kết mạc, sung huyết, viêm giác mạc cảm giác cộm vướng, liệt cơ vận nhãn, lồi mắt ác tính,…
  •  Cơn bão giáp trạng (cơn cường giáp cấp) 
  • Suy kiệt nặng: do không dùng thuốc hoặc bỏ thuốc

6.Điều trị Basedow:

6.1.Điều trị nội khoa: 

a. Kháng giáp trạng tổng hợp:

– Chỉ định: lựa chọn hàng đầu cho bệnh nhân trẻ < 50 tuổi, điều trị lần đầu, bướu lan tỏa.

– Thuốc thường dùng:

+ Thiamazol ( carbimazol, metimazol, thyrozol )

Liều ban đầu 15- 40 mg/ngày, chia 1- 2 lần ( cường giáp nhẹ liều 15mg, trung bình liều 2- 30mg, nặng liều trên 40mg/ngày) uống thuốc sau ăn.

Chỉnh liều khi bệnh nhân dần về bình giáp.

Liều duy trì 5 – 10 mg/ ngày.

+ Propylthiouracil ( PTU )

Liều ban đầu: 300 – 400 mg/ ngày chia 2- 3 lần. uống thuốc sau ăn.

Giảm dần liều khi bệnh nhân bình giáp

Liều duy trì 50-150 mg/ ngày.

– Tác dụng phụ: Giảm hoặc mất bạch cầu hạt trung tính, thường gặp trong nhunwngx tuần đầu điều trị. Bệnh nhân đau họng, sốt cao, dễ bị nhiễm trùng huyết. Tăng enzyme gan. Dị ứng, mẩn ngứa ngoài da.

b. Điều trị thuốc chẹn beta giao cảm: nhằm làm giảm triệu chứng cường giáp

– Metoprolol ( betaloc, betaloc zok ) 25- 100mg/ngày.

– Atenolol ( tenormin ) viên 50mg liều 25- 100mg/ngày.

– Bisoprolol ( concor ) viên 2,5 và 5mg liều 2,5- 10mg/ngày.

– Propranolol ( inderal ) viên 40mg liều 40- 240mg/ngày.

c. Điều trị hỗ trợ bằng thuốc an thần và chế độ nghỉ ngơi…

6.2.Điều trị ngoại khoa:

  • Chỉ định điều trị phẫu thuật: nghi ngờ ung thư, có bướu đơn hoặc đa nhân, bệnh nhân muốn chữa khỏi ngay nhưng từ chối điều trị phóng xạ, phụ nữ có thai không dung nạp kháng giáp trạng tổng hợp.
  • Biến chứng: suy giáp, tổn thương thần kinh quặt ngược, tụ máu, phù nề thanh quản, suy cận giáp…

6.3.Điều trị Iot 131:

  • Chỉ định: bệnh nhân lớn tuổi, suy tim, thể trạng yếu hoặc có tai biến của điều trị nội khoa, tái phát sau điều trị nội khoa hoặc ngoại khoa.
  • Chống chỉ định: phụ nữ có thai, cho con bú.
  • Biến chứng: 10- 30% số bệnh nhân bị suy giáp sau điều trị  2 năm và thêm 5% mỗi năm sau đó. Có thể gây hoặc làm nặng thêm bệnh mắt Basedow, nhất là ở người hút thuốc lá.

 

 

Tham khảo:

 

 

 

 

 

Gọi ngay