Rối loạn nuốt gây biến chứng gì? Chăm sóc thế nào?
Mục lục
Rối loạn nuốt là một di chứng tai biến mạch máu não rất thường gặp, ngoài việc làm người bệnh khó khăn trong ăn uống, rối loạn nuốt có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như hít sặc, viêm phổi, khó thở và có thể dẫn đến tử vong. Vậy nên khi phát hiện cần phải được khám và điều trị sớm để tránh các biến chứng nguy hiểm cho bệnh nhân.
Rối loạn nuốt là gì?
Rối loạn nuốt là một trong những vấn đề thường gặp nhất và xảy ra sớm nhất sau đột quỵ não (có thể gặp ở 30% – 67% người bệnh đột quỵ não), chủ yếu gặp ở tổn thương hệ tuần hoàn sau. Khi có tổn thương vùng thân não sẽ làm cho cơ hầu họng bị liệt dẫn đến triệu chứng nuốt khó, người bệnh gặp khó khăn khi nuốt thức ăn thức uống, thậm chí khó nuốt ngay cả khi nuốt nước bọt.
Biến chứng của rối loạn nuốt
Rối loạn nuốt là một di chứng tai biến mạch máu não thường gặp, có đến 52% bệnh nhân bị rối loạn nuốt sau đột qụy não cấp. Sau đột quỵ não một tuần, rối loạn nuốt xảy ra ở 25-30% bệnh nhân và sau 6 tháng xảy ra ở 11-50% bệnh nhân.
Tai biến thường gặp khi thức ăn hoặc nước uống bị lọt vào khí quản là tình trạng hít sặc, bệnh nhân sẽ bị ho sặc sụa, co thắt phế quản, khó thở, có thể dẫn đến tử vong. Có đến 43-54% số bệnh nhân sau đột quỵ não cấp bị tình trạng hít sặc, 30% bệnh nhân hít sặc sẽ dẫn đến viêm phổi. Viêm phổi do hít sặc làm tử vong 3-6% bệnh nhân trong năm đầu tiên. Các tai biến khác của rối loạn nuốt là gây sụt cân, mất nước, suy dinh dưỡng, làm thay đổi thói quen ăn uống, gây trầm cảm và giảm khả năng hòa nhập xã hội.
Điều trị rối loạn nuốt như thế nào?
Để phục hồi chức năng nuốt cho bệnh nhân sau tai biến, tùy theo tình trạng của từng bệnh nhân, bác sĩ có thể áp dụng các phương pháp như kỹ thuật bù trừ, thực hiện các bài tập giúp phục hồi chức năng, điều trị bằng thủ thuật xâm nhập hoặc điều trị bằng thuốc.
Lưu ý gì khi chăm sóc bệnh nhân?
– Thức ăn, thức uống: Thức ăn cần được cắt nhỏ, nấu mềm, lỏng. Nếu ngườ bệnh nhai khó, nuốt khó, thức ăn cần phải được xay nhuyễn. Đối với người bệnh ho sặc, thức uống cần được chế biến đặc hơn do chất lỏng chảy nhanh hơn, khiến bệnh nhân dễ sặc hơn.
– Cần tránh các loại thức ăn: Thức ăn khô, kích thước lớn, có nhiều sợi xơ, dai, khó cắn, khó nhai.Thức ăn rời rạc thành từng miếng nhỏ.Thức ăn dễ dính vào răng, nướu và đọng lại trong má như bánh, kẹo dừa.
– Tư thế ăn uống: Người bệnh cần ngồi thẳng khi ăn, uống thuốc, súc miệng. Nếu người bệnh không thể tự ngồi, người chăm sóc nên quay đầu giường lên cao hoặc đỡ người bệnh xuống ghế có dựa lưng và chỗ đỡ tay, sử dụng gối chêm để hỗ trợ tư thế đúng và thoải mái. Tư thế tốt nhất là vuông góc ở hông, đầu gối và cổ chân, với bàn chân chạm sàn hoặc để trên bục nếu ngồi trên giường cao, không nên để chân lơ lửng. Người bệnh cần ngồi hoặc đi tới lui sau khi ăn 30 phút để tránh trào ngược.
– Thực hiện quy tắc an toàn: Chỉ ăn uống khi tỉnh táo. Ăn, uống chậm, từng muỗng, từng ngụm nhỏ. Nuốt 2-3 lần cho hết trước khi ăn, uống muỗng tiếp theo. Để thức ăn ở phía bên môi và lưỡi mạnh (bên yếu là bên thức ăn bị chảy ra ngoài). Không nói khi đang nhai và nuốt. Nếu người bệnh khó mở miệng, người chăm sóc dùng tay hỗ trợ môi, hàm, cằm của người bệnh. Nhắc người bệnh nuốt nước bọt hoặc nhổ ra. Khi người bệnh ngậm lâu, người chăm sóc nhắc người bệnh nuốt bằng lời nói hoặc bằng động tác sờ vào 2 bên má người bệnh.
– Môi trường ăn uống: Đủ ánh sáng. Trong khi ăn, cần tránh các yếu tố gây xao lãng như tivi, radio và đông người làm người bệnh mất tập trung. Người chăm sóc cần động viên, khuyến khích, kiên nhẫn và giữ bầu không khí thoải mái, vui vẻ.
– Vệ sinh miệng: Vệ sinh miệng có vai trò rất quan trọng đối với người bệnh có rối loạn nuốt, các chất bẩn đóng trong miệng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Cần vệ sinh miệng cho người bệnh sau khi ăn. Nếu người bệnh không thể đánh răng và súc miệng thì cần rơ miệng để làm sạch răng, lưỡi và 2 bên má. Không sử dụng mật ong vì dễ gây sâu răng và phát triển vi khuẩn. Không dùng nước súc miệng có cồn vì sẽ làm khô miệng, dễ gây tình trạng viêm và nhiễm trùng cho người bệnh.
Xin xem thêm tại