Rối loạn ngôn ngữ sau đột quỵ
Rối loạn ngôn ngữ sau đột quỵ là một di chứng thường gặp gây nhiều khó khăn cho người bệnh trong quá trình phục hồi tái hoà nhập cộng đồng. Vậy có những loại rối loạn ngôn ngữ nào? Nguyên nhân gây rối loạn ngôn ngữ là gì?
Rối loạn ngôn ngữ sau đột quỵ là gì?
Ngoài những rối loạn về khả năng vận động, rối loạn ngôn ngữ là một di chứng phổ biến sau đột quỵ não. Một số biểu hiện phổ biến của bệnh là: Nói ngọng, nói lắp, khó khăn khi giao tiếp, không thể trình bày mong muốn của bản thân, quên cách đọc, viết,…
Có 2 dạng rối loạn ngôn ngữ sau tai biến cơ bản phụ thuộc vào mức độ và vị trí vùng não bộ bị tổn thương sau đột quỵ:
Rối loạn ngôn ngữ aphasia
Rối loạn ngôn ngữ aphasia là dạng rối loạn phổ biến nhất. Rối loạn ngôn ngữ aphasia được chia ra làm 3 nhóm biểu hiệu chính, cụ thể:
Rối loạn ngôn ngữ tiếp nhận:
Bệnh nhân thường gặp khó khăn trong vấn đề tiếp nhận các thông tin bên ngoài qua lời nói. Các biểu hiện cụ thể của chứng rối loạn ngôn ngữ tiếp nhận:
► Không thể hiểu những câu nói dài và phức tạp.
► Không thể nắm bắt được nội dung xuyên suốt của cuộc nói chuyện (quên mất phần hội thoại phía trước).
► Có cảm giác mọi người đang nói chuyện bằng tiếng nước ngoài.
► Không thể theo dõi cuộc hội thoại dài hoặc có nhiều người tham gia.
► Không hiểu lời nói nếu có xen lẫn tiếng ồn trong cuộc nói chuyện.
► Có thể đọc được chữ viết nhưng không hiểu được ý nghĩa của văn bản.
► Có thể viết nhưng không hiểu ý nghĩa hoặc không thể đọc lại những gì mình viết.
Rối loạn ngôn ngữ biểu cảm:
Bệnh nhân không thể trình bày mong muốn, suy nghĩ và vấn đề của bản thân cho người khác hiểu. Các biểu hiện cụ thể của chứng mất ngôn ngữ biểu cảm:
► Mất hoàn toàn khả năng nói.
► Nói những câu ngắn hoặc các từ ngữ rời rạc.
► Mất nhiều thời gian để trình bày những vấn đề đề đơn giản và thường dừng lại trong cuộc nói chuyện để tìm từ ngữ mô tả.
► Không thể đặt tên cho những sự vật quen thuộc (không nhớ ra tên gọi của người thân, không nhớ ra cách tên các màu sắc, không nhớ ra tên các con vật hay loài hoa).
► Nói những điều vô nghĩa hoặc không đúng với suy nghĩ của bản thân.
Rối loạn ngôn ngữ hỗn hợp:
Bệnh nhân gặp khó khăn trong cả việc nói và hiểu lời nói. Vì vậy bệnh nhân gần như mất hoàn toàn khả năng giao tiếp với người xung quanh.
Họ cũng là đối tượng gặp khó khăn lớn nhất trong quá trình phục hồi khả năng giao tiếp.
Rối loạn ngôn ngữ dysarthria (Rối loạn âm ngữ):
Người bị rối loạn ngôn ngữ sau tai biến có thể hiểu lời nói và có khả năng trình bày suy nghĩ của mình nhưng gặp khó khăn trong việc điều khiển các cơ môi, lưỡi hay gặp vấn đề khi kiểm soát hơi thở.
Bên cạnh đó, vấn đề tiêu hoá khó khăn sau đột quỵ não cũng gây ảnh hưởng đến khả năng ngôn ngữ của bệnh nhân. Một số biểu hiện của rối loạn ngôn ngữ thể rối loạn âm ngữ:
► Bệnh nhân nói ngọng, méo miệng, nói lắp bắp.
► Nói không rõ ràng, quá nhỏ hoặc giọng nói khó nghe.
► Nói đứt đoạn, không thành câu nói hoàn chỉnh.
► Giọng nói bị biến đổi và không ổn định.
Nguyên nhân gây rối loạn ngôn ngữ sau tai biến
Mỗi vùng não sẽ đảm nhận điều khiển một chức năng cụ thể như chức năng nhận thức, chức năng vận động, chức năng cảm giác,… Rối loạn ngôn ngữ sau tai biến thường do 2 nguyên nhân chính:
► Khi tai biến mạch máu não xảy ra, sự lưu thông máu bị cản trở đến vùng não điều khiển chức năng ngôn ngữ, vì vậy bệnh nhân sau đột quỵ não thường mắc di chứng rối loạn ngôn ngữ. Khu vực này thường nằm ở bán cầu não trái (vùng broca và vùng wernicke).
► Do sự rối loạn vận động sau tai biến khiến bệnh nhân bị liệt cơ hoặc không thể kiểm soát tốt các nhóm cơ ở môi, lưỡi khiến việc phát âm trở nên khó khăn.
Xin xem thêm tại.
Phục hồi chức năng sau tai biến.