Biến chứng sau phẫu thuật thay khớp háng
Các biến chứng sau mổ thay khớp háng thường không phổ biến. Tuy nhiên, theo AAOS vẫn có một số biến chứng xảy ra sau phẫu thuật. Trong đó, khoảng dưới 2% bệnh nhân gặp biến chứng nghiêm trọng, điển hình là tình trạng nhiễm trùng khớp háng.
1.Biến chứng
Nguy cơ biến chứng có thể đến từ các yếu tố như tuổi tác, cân nặng và tình hình sức khỏe của người bệnh. Đặc biệt, bệnh tiểu đường là một trong những yếu tố nguy cơ lớn nhất. Bên cạnh đó, hút thuốc lá, lạm dụng các chất kích thích và sử dụng một số loại thuốc nhất định có thể tác động đến việc phát triển các biến chứng.
Thông thường, biến chứng sau khi thay khớp háng có thể xảy ra trong quá trình phẫu thuật hoặc sau vài tuần, vài tháng thậm chí vài năm với các tình trạng sau đây:
1.1. Nhiễm trùng sau phẫu thuật
Theo các kết quả thống kê, nhiễm trùng do phẫu thuật thay khớp háng chiếm tỷ lệ 1/100. Tình trạng vi khuẩn xâm nhập có thể xảy ra ở phần da, các mô mềm xung quanh khớp hoặc lan sâu vào khớp nhân tạo. Thời điểm người bệnh bị nhiễm trùng có thể là ngay trong thời gian nằm viện, sau khi xuất viện hoặc nhiều năm sau khi phẫu thuật.
Con đường vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể thường thông qua các vết thương hở trên da. Những đối tượng dễ bị nhiễm trùng bao gồm: người bị suy giảm hệ miễn dịch (có HIV hoặc ung thư hạch); đái tháo đường, bệnh mạch máu ngoại vi, béo phì hay đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch (hóa trị liệu hoặc corticosteroid).
Khi bị nhiễm trùng do phẫu thuật thay khớp háng, người bệnh sẽ có những triệu chứng như: đau quanh vết mổ, cứng khớp, sưng nóng đỏ đau xung quanh vết thương, vết thương chảy dịch, sốt, ớn lạnh, đổ mồ hôi ban đêm, mệt mỏi…
Nếu nhiễm trùng được phát hiện sớm và chỉ tồn tại ở khu vực bên ngoài, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh đường tiêm tĩnh mạch hoặc đường uống. Trong trường hợp nhiễm trùng nặng, lan sâu vào khớp háng nhân tạo, phương pháp phẫu thuật sẽ được đề xuất nhằm xử lý triệt để các ổ viêm nhiễm.
1.2. Huyết khối tĩnh mạch
Tình trạng hình thành cục máu đông có thể xuất hiện ở mọi loại phẫu thuật, nhưng phổ biến nhất là phẫu thuật thay khớp háng hoặc khớp gối. Giải thích cho tình trạng này là do người bệnh ngồi hoặc nằm trong thời gian dài khiến cho máu di chuyển trong cơ thể chậm lại và hình thành các cục máu đông.
Hai loại cục máu đông phổ biến khi người bệnh mổ thay khớp háng là:
- Huyết khối tĩnh mạch sâu (Deep vein thrombosis DVT): Những cục máu đông này hình thành trong tĩnh mạch chân của bạn sau khi phẫu thuật.
- Thuyên tắc phổi: Những cục máu đông này di chuyển lên phổi và có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng về hô hấp, thậm chí đe doạ tính mạng người bệnh
Để ngăn ngừa xảy ra huyết khối tĩnh mạch, bác sĩ thường kê thuốc chống huyết khối cho người bệnh trước và sau khi phẫu thuật. Người bệnh cũng có thể được chỉ định dùng vớ y khoa hay vớ cơ học giúp co bóp để cải thiện lượng máu lưu thông. Đồng thời, người bệnh cũng được khuyến khích thực hiện các bài tập, vận động phù hợp để cải thiện lưu thông máu.
1.3. Độ dài chân không đều
Một biến chứng của thay khớp háng mà bệnh nhân cũng có thể gặp, chính là tình trạng mất cân đối giữa hai chân. Xuất phát từ việc phần xương hỏng bị cắt đi và gắn chỏm xương đùi mới vào, hoặc do tình trạng thoái hoá nặng lâu nằm làm biến dạng xương, hay do bất thường bẩm sinh( loạn sản khớp háng) nên chân được thay khớp háng có thể dài hoặc ngắn hơn chân còn lại.
Ở một số trường hợp, sự chênh lệch chiều dài của chân có thể đã được bác sĩ dự đoán, nhưng một số khác lại không. Thông thường, sự khác biệt về chiều dài vào khoảng 0,5 cm và hiếm khi gây ra bất kỳ vấn đề gì quá phức tạp.
Giải pháp đơn giản nhất trong trường hợp sự chênh lệch giữa chân khoảng 2cm là thay đổi độ cao giày của chân ngắn hơn. Nếu sự khác biệt lớn hơn, ảnh hưởng nặng nề đến người bệnh thì phẫu thuật có thể được chỉ định để điều chỉnh lại kích thước xương đùi.
1.4. Trật khớp háng nhân tạo
Tình trạng này xảy ra khi phần chỏm xương đùi trượt ra khỏi ổ khớp gây trật khớp, khi các mô xung quanh khớp háng nhân tạo vẫn còn đang trong quá trình lành lại. Nguy cơ di lệch dần giảm xuống sau một vài tháng phẫu thuật.
Một nghiên cứu năm 2014 trên tạp chí Deutsches Arzteblatt, trật khớp háng nhân tạo xảy ra ở khoảng 2% bệnh nhân trong năm đầu tiên thay khớp háng. Tỷ lệ này tăng lên 28% ở những bệnh nhân phẫu thuật khớp háng nhiều lần.
Đối với trường hợp này, đầu tiên bệnh nhân sẽ được nắn kín dưới gây tê để đưa xương đùi vào đúng ổ khớp. Tuy nhiên, nếu tình trạng không được cải thiện, biện pháp tiếp theo sẽ là phẫu thuật để điều chỉnh.
1.5. Khớp nhân tạo bị bào mòn
Theo quy luật tự nhiên, chỏm xương đùi và ổ khớp có kích thước phù hợp với nhau để hạn chế nguy cơ tổn thương. Tuy nhiên, khi khớp nhân tạo được thay vào có thể làm phát sinh tình trạng các bề mặt không tương thích, gây ra ma sát nhiều làm bào mòn và lỏng khớp háng.
Ngoài gây đau đớn, biến chứng này còn làm phát sinh các vấn đề khác như yếu cơ, khả năng di động khớp háng kém, tiêu xương và hội chứng giả u.
Nguy cơ ổ khớp bị bào mòn càng lúc càng nhiều theo thời gian, khiến cho tình trạng lỏng khớp ngày một trầm trọng hơn. Trong tình huống hợp này, giải pháp là phải phẫu thuật lại và thay thế khớp háng khác.
1.6. Các biến chứng khác
Bên cạnh các biến chứng sau mổ thay khớp háng nêu trên, người bệnh có thể phải đối diện với một số biến chứng dưới đây:
- Mất máu trong và sau khi phẫu thuật thay khớp háng cần phải truyền máu
- Máu tụ quanh vị trí thay khớp gây nên tình trạng phù nề, bầm tím
- Đau vết mổ và cần phải dùng thuốc giảm đau
- Gặp các vấn đề về hô hấp do được gây mê toàn thân và đặt ống thở
- Nhồi máu cơ tim trong hoặc sau khi phẫu thuật
2.Phục hồi sau thay khớp háng
Sau khi mổ thay khớp háng nhân tạo, tùy theo tình trạng sức khỏe của người bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra một số lời khuyên cụ thể. Tuy nhiên, nhìn chung bạn nên tuân thủ những khuyến nghị sau đây để nhanh chóng phục hồi sau phẫu thuật:
2.1.Vận động hợp lý
Bệnh nhân thay khớp háng có thể đi lại trong ngày hoặc một ngày sau phẫu thuật và hầu hết có thể quay trở lại với các hoạt động thường ngày trong 3 – 6 tuần. Sau khi có thể sinh hoạt lại, bạn nên tuân thủ các bài tập vật lý trị liệu theo chỉ định của bác sĩ và kết hợp với đi bộ nhẹ nhàng để thúc đẩy tuần hoàn máu, thư giãn đầu óc..
2.2.Chú ý đến chế độ dinh dưỡng và cân nặng
Cân nặng quá mức sẽ gây áp lực cho khớp háng nhân tạo và đồng thời làm tăng độ mòn và nguy cơ biến chứng. Do đó, người bệnh nên ổn định trọng lượng và duy trì một chế độ ăn uống cân bằng để cơ thể nhanh hồi phục.
2.3.Sắp xếp người thân hỗ trợ
Ảnh hưởng của việc giảm vận động có thể khiến bạn không thể hoàn thành một số công việc thường ngày cho bản thân và gia đình. Vì thế, trước khi phẫu thuật, bạn nên nhờ một số người thân giúp đỡ đưa đón, nấu ăn, giặt giũ… trong những ngày đầu mới phẫu thuật. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể điều chỉnh một số chi tiết trong nhà, sắp xếp lại chỗ để các vật dụng sao cho chúng luôn ở trong tầm với và không phải di chuyển quá nhiều.
Xin xem thêm tại: