Rối loạn Chuyển hóa Lipid ( Mỡ máu tăng )

Rối loạn chuyển hóa lipid là khi hàm lượng của một thành phần hoặc nhiều thành phần chất mỡ trong huyết tương vượt quá giới hạn bình thường còn gọi là tăng mỡ máu.

Dịch vụ trị liệu tại nhà
Dịch vụ trị liệu tại nhà

1. Định nghĩa:

Rối loạn chuyển hóa lipid là khi hàm lượng của một thành phần hoặc nhiều thành phần chất mỡ trong huyết tương vượt quá giới hạn bình thường còn gọi là tăng mỡ máu.

2. Phân loại:

Trên lâm sàng chia 2 loại lớn là:

  • Nguyên phát : Rối loạn chuyển hóa lipid tiên phát do đột biến gen làm tăng tổng hợp quá mức cholesterol,  triglicerid , LDL-c hoặc giảm thanh thải  hoặc giảm tổng hợp HDL-c hoặc tăng thanh thải HDL-L. RLLPM tiên phát thường xảy ra sớm ở trẻ em và người trẻ tuổi, ít khi kèm thể trạng béo phì.
  • Thứ phát : do lối sống tĩnh tại, dùng nhiều bia-rượu, thức ăn giàu chất béo bão hòa. Các nguyên nhân thứ phát khác của RLLPM như đái tháo đường, bệnh thận mạn tính, suy giáp, xơ gan, dùng thuốc thiazid, corticoides, estrogen, chẹn beta giao cảm.
    Rối loạn chuyển hóa lipid
      Rối loạn chuyển hóa lipid

3. Chẩn đoán:

3.1. Lâm sàng: 

Triệu chứng lâm sàng không rõ ràng.

3.2.Cận lâm sàng:

Chẩn đoán xác định bằng xét nghiệm các thông số lipid khi có một hoặc nhiều rối loạn như sau:
+ Cholesterol máu > 5,2 mmol/L (200mg/dL)
+ Triglycerid > 1,7 mmol/L (150mg/dL)
+ LDL-cholesterol > 2,58mmol/L (100mg/dL)
+ HDL-cholesterol < 1,03mmol/L (40 mmol/L)

Chẩn đoán xác định bằng xét nghiệm các thông số lipid
Chẩn đoán xác định bằng xét nghiệm các thông số lipid

4. Điều trị:

Phải kết hợp thay đổi lối sống và dùng thuốc.

4.1. Thay đổi lối sống:

a) Tập luyện:

Thời gian tập luyện – vận động thể lực khoảng 30 đến 45 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần, cường độ và thời gian tập tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe nhất là những người có bệnh lý huyết áp, mạch vành, suy tim…

– Giúp giảm cân, duy trì cân nặng lý tưởng.
– Giảm TC, TG, LDL-c và Tăng HDL-c
– Góp phần kiểm soát tốt đường huyết và huyết áp

b) Ăn uống:

– Hạn chế năng lượng nhất là những người béo phì.
– Hạn chế mỡ chứa nhiều acid béo bão hòa như mỡ trong thịt heo, thịt bò, thịt cừu…, giảm cholesterol có trong lòng đỏ trứng, bơ, tôm… Tăng lượng acid béo không bão hòa có trong các loại thực vật như dầu đậu nành, dầu ô liu, dầu bắp, trong mỡ cá…
– Khẩu phần ăn có sự cân đối giữa glucid, lipid và protid. Tránh dùng nhiều glucid (năng lượng do glucid cung cấp khoảng 50% năng lượng của phần ăn, lipid khoảng 30% và protid khoảng 20%).
– Hạn chế bia – rượu.
– Bổ sung chất xơ, vitamin, yếu tố vi lượng từ các loại rau, củ và hoa quả.

4.2. Thuốc điều trị rối loạn chuyển hóa lipid máu:

Chú ý:
Các thuốc điều trị rối loạn lipid máu đều chuyển hóa qua gan. Do vậy trong thời gian sử dụng thuốc hạ lipid máu, cần cho các thuốc hỗ trợ và bảo vệ tế bào gan.

a) Nhóm statin : 

  •  Tác dụng : ức chế enzym Hydroxymethylglutaryl CoA Reductase là một enzym tổng hợp TC, làm giảm TC nội sinh, kích thích tăng tổng hợp thụ thể LDL-c nên tăng thu giữ LDL-c tại gan. Kết quả sẽ giảm LDL-c, VLDL, TC, TG và tăng HDL-c. Ngoài ra nhóm statin còn giảm quá trình viêm của nội mạc mạch máu, giúp thoái triển mảng xơ vữa, tăng tổng hợp nitric oxide (ON) của tế bào nội mạc.
  • Một vài loại thuốc hay sử dụng:  AtorvastatinRosuvastatin, Simvastatin, Lovastatin, Fluvastatin, Pravastatin
  • Tác dụng phụ : tăng men gan, tăng men cơ khi dùng liều cao, hoặc cơ địa người già, hoặc đang dùng nhiều loại thuốc như kháng sinh nhóm macrolide.
  • Chỉ định: tăng LDL-c, tăng TC.
  • Chống chỉ định: suy gan, suy thận nặng.

b) Nhóm acid Nicotinic :

  • Tác dụng : Thuốc có tác dụng giảm TG do ức chế phân hủy từ tổ chức mỡ và giảm tổng hợp TG ở gan, ức chế tổng hợp và ester hóa acid béo tại gan, tăng thoái biến apo B, giảm VLDL, giảm LDL, và tăng HDL (do giảm thanh thải apoA-I).
  • Một vài loại thuốc : Niacor, Niaspan, Slo-niacin.
  • Tác dụng phụ: đỏ phừng mặt, ngứa, các triệu chứng rối loạn tiêu hóa như đầy hơi, trướng bụng, buồn nôn, giảm nhẹ chức năng gan, tăng men gan, sỏi mật, tăng men cơ, phát ban, tăng đề kháng insulin.
  • Chỉ định: tăng LDL-C, giảm HDL-C, tăng TG.
  • Chống chỉ định: phụ nữ có thai và cho con bú, người suy gan thận nặng.

c) Nhóm fibrate:

  • Tác dụng: làm giảm TG do kích thích PPAR alpha làm tăng oxy hóa acid béo, tăng tổng hợp enzym LPL, làm tăng thanh thải các lipoprotein giàu TG, ức chế tổng hợp apoC-III ở gan, tăng thanh thải VLDL. Các fibrat cũng làm tăng HDL do thúc đẩy trình diện apoA-I và apoA-II.
  • Một vài loại thuốc: Gemfibrozil, Clofibrat, Fenofibra
  • Tác dụng phụ: Các triệu chứng rối loạn tiêu hóa như đầy hơi, trướng bụng, buồn nôn, giảm nhẹ chức năng gan, tăng men gan, sỏi mật, tăng men cơ, phát ban.
  • Chỉ định: tăng triglycerid
  • Chống chỉ định :phụ nữ có thai và cho con bú, người suy gan thận nặng.

d) Nhóm Resin

  • Tác dụng : Resin trao đổi ion Cl- với acid mật, tăng tổng hợp acid mật từ cholesterol, làm tăng bài tiết mật và giảm cholesterol ở gan, kích thích tổng hợp thụ thể LDL-c, tăng thải LDL-c.
  • Một số thuốc : Cholestyramin, Colestipol, Colesevelam.
  • Chỉ định : tăng LDL-c.
  • Tác dụng phụ : các triệu chứng rối loạn tiêu hóa như đầy hơi, trướng bụng, buồn nôn, táo bón.

e) Ezetimibe

  • Tác dụng : Thuốc ức chế hấp thụ TC tại ruột, làm giảm LDL-c và tăng HDL-c.
  • Tác dụng phụ: thuốc rất ít tác dụng phụ, có thể gặp tăng men gan.
  •  Chỉ định: tăng LDL-c.
  • Chống chỉ định :phụ nữ có thai và cho con bú, người suy gan thận nặng.

f) Omega 3 (Fish Oils)

  • Tác dụng : Cơ chế tăng dị hóa TG ở gan.
  • Tác dụng phụ : các triệu chứng rối loạn tiêu hóa như đầy hơi, trướng bụng, tiêu chảy.
  •  Chỉ định: tăng TG.
  • Chống chỉ định :phụ nữ có thai và cho con bú, người suy gan thận nặng.

 

Tham khảo:

 

Gọi ngay