Phục hồi chức năng sau thay khớp háng cần chú ý gì?

Sau thay khớp háng, phục hồi chức năng đóng vai trò quan trọng giúp bệnh nhân sớm có thể trở lại sinh hoạt bình thường

1. KHI NÀO NÊN BẮT ĐẦU  PHỤC HỒI CHỨC NĂNG SAU PHẪU THUẬT?

Khi bạn được phẫu thuật, bác sĩ phẫu thuật sẽ trao đổi với bạn về việc bắt đầu chương trình phục hồi chức năng nội trú hàng ngày với chuyên viên vật lý trị liệu. Các bước đầu tiên của chương trình này bao gồm:

  • Đặt tư thế thoải mái và an toàn;
  • Kiểm soát đau và sưng;
  • Có thể đứng và bắt đầu đi với dụng cụ trợ giúp;
  • Học cách cử động để tránh trật khớp hang;
  • Học cách sắp xếp môi trường xung quanh để di chuyển an toàn;
  • Tăng cường vận động khớp và sức mạnh cơ;
  • Học cách đi lại với dụng cụ trợ giúp và lên xuống cầu thang để chuẩn bị trở về nhà.

Sau khi xuất viện, bác sĩ phẫu thuật có thể đề nghị bạn tiếp tục chương trình theo dõi phục hồi chức năng ngoại trú với chuyên viên vật lý trị liệu. Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của bạn thì thông thường cần phải thực hiện thêm một vài buổi trước khi bạn phục hồi hoàn toàn cơ chế dáng đi bình thường không dùng nạng.

2. LÀM THẾ NÀO ĐỂ GIẢM CÁC CƠN ĐAU?

Trước và sau khi phẫu thuật, chuyên viên vật lý trị liệu sẽ giúp bạn kiểm soát đau bằng hàng loạt các kỹ thuật không sử dụng thuốc như:

  • Liệu pháp chườm lạnh và chườm lạnh có áp lực;
  • Đặt tư thế chân, kéo giãn cơ chân và tập luyện;
  • Vận động khớp chủ động;
  • Kích thích thần kinh qua da (TENS).

3. LÀM GÌ ĐỂ ĐẨY NHANH QUÁ TRÌNH PHỤC HỒI?

Sự hồi phục của bệnh nhân sẽ tiến triển theo từng ngày và chuyên viên vật lý trị liệu sẽ là người hướng dẫn bệnh nhân trong quá trình phục hồi chức năng. Trong khi đó, bạn nên:

  • Tránh mọi hoạt động gắng sức;
  • Tránh mọi tư thế và động tác không được bác sĩ phẫu thuật và chuyên viên vật lý trị liệu cho phép;
  • Tập luyện theo đề nghị của chuyên viên vật lý trị liệu, đảm bảo không tập quá sức;
  • Kiểm soát đau và sưng bằng cách nâng cao chân và tuân thủ liệu pháp chườm lạnh;
  • Tập đi theo đề nghị của chuyên viên vật lý trị liệu;
  • Tránh đứng hoặc ngồi một chỗ quá lâu, thay vào đó là đi bộ thường xuyên với khoảng cách ngắn;
  • Mang vớ áp lực theo đề nghị của bác sĩ phẫu thuật.

Bạn sẽ có nguy cơ té ngã cho đến khi chức năng chân phục hồi hoàn toàn. Không nên thực hiện các hoạt động như rời khỏi giường và đi lên xuống cầu thang một mình khi chưa được đề nghị.

4. LÀM GÌ ĐỂ TRÁNH TRẬT KHỚP HÁNG SAU PHẪU THUẬT?

Bạn sẽ có nguy cơ cao trật khớp háng trong ba tháng đầu tiên sau phẫu thuật thay khớp háng, sau đó nguy cơ này sẽ giảm dần nếu bạn tiếp tục tăng cường sức mạnh cơ quanh vùng khớp háng và tất nhiên bạn sẽ tự tránh các động tác có thể gây trật khớp háng .

Để tránh trật khớp háng, bạn cần thực hiện một số biện pháp phòng ngừa:

  • Không gập khớp háng quá 90 độ khi ngồi hoặc cúi người về phía trước;
  • Không xoay chân phẫu thuật vào trong;
  • Không bắt chéo chân phẫu thuật lên trên hoặc xuống dưới chân không phẫu thuật, ở cả hai vị trí đầu gối hoặc mắt cá chân.

KHI NÀO NÊN LIÊN HỆ VỚI CHUYÊN VIÊN VẬT LÝ TRỊ LIỆU?

Bất kỳ lúc nào trong và sau chương trình phục hồi chức năng, bạn đừng ngần ngại liên hệ với chuyên viên vật lý trị liệu khi:

  • Khớp háng đau nhiều hơn sau khi tập luyện;
  • Chân bị sưng sau khi tập luyện;
  • Bạn không thể tập luyện theo đề nghị của chuyên viên vật lý trị liệu;
  • Bạn dự định hoặc muốn thử thách với các hoạt động thể chất mới;
  • Bạn cảm thấy khớp háng cứng hơn hoặc khó chịu hơn bình thường;
  • Bạn cần lời khuyên để thực hiện các hoạt động thường ngày.
Phục hồi chức năng tại nhà
Phục hồi chức năng tại nhà

Xin xem thêm tại:

Phục hồi chức năng thoái hóa cột sống cổ.

Châm cứu tại nhà.

Thoát vị đĩa đệm gây biến chứng gì?

Gọi ngay