Phục hồi chức năng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Mục lục
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (BPTNMT-COPD) là một bệnh có đặc điểm tắc nghẽn lưu lượng khí thở ra, không hồi phục hoặc chỉ hồi phục một phần, tiến triển, thường có tăng phản ứng đường thở, do viêm phế quản mạn tính và khí phế thũng gây ra.
I. ĐẠI CƯƠNG
– Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (BPTNMT-COPD) là một bệnh có đặc điểm tắc nghẽn lưu lượng khí thở ra, không hồi phục hoặc chỉ hồi phục một phần, tiến triển, thường có tăng phản ứng đường thở, do viêm phế quản mạn tính và khí phế thũng gây ra.
– Có thể coi bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là một loại bệnh do biến chứng của viêm phế quản mạn tính, khí phế thũng và hen phế quản ở mức độ không hồi phục, là loại bệnh mạn tính nặng.
– Khoảng 90% các ca mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính gây ra bởi hút thuốc lá; các yếu tố nguy cơ cao khác bao gồm tuổi cao (có thể liên quan đến thời gian hút thuốc lâu hơn) và các yếu tố di truyền (ví dụ như thiếu hụt alpha-1 antitrypsin).
II. CHẨN ĐOÁN
1. Chẩn đoán xác định
– Bệnh nhân trên 40 tuổi, thường là nam giới, tiền sử hút thuốc lâu năm.
– Ho, khạc đờm, khó thở trên 2 năm, đờm nhầy, nặng hơn vào mùa lạnh.
– Khó thở gắng sức khởi phát âm thầm, kèm rít, nặng ngực.
– Tiền sử hay có đợt nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính.
– Xquang phổi: có thể có hội chứng phế quản, khí phế thũng.
– Đo thông khí phổi: tắc nghẽn lưu lượng thở không hồi phục (FEV1 < 80% số lý thuyết, test hồi phục phế quản âm tính).
2. Chẩn đoán phân biệt
– Hen phế quản: khó thở từng cơn tái diễn, cơn khó thở tự khỏi hoặc hết sau khi dùng thuốc giãn phế quản, đo thông khí phổi có rối loạn tắc nghẽn hồi phục, test hồi phục phế quản (+).
– Tắc nghẽn đường thở trên, thoái hoá nhầy nhớt và viêm tiểu phế quản tận cùng, lao phổi, dãn phế quản: ho, khạc đàm nhầy mủ nhiều.
– Suy tim trái, hẹp hai lá: ho, khó thở nhưng ít khạc đờm.
III. NGUYÊN TẮC ĐIỀU TRỊ VÀ PHỤC HỒI CHỨC NĂNG
Mục tiêu của quản lý, điều trị và phục hồi chức năng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh, giảm tần suất các đợt bệnh cấp tính kịch phát, quản lý stress, cải thiện sức khỏe tổng quát, tăng cường khả năng tham gia các hoạt động thường nhật và tăng cường chất lượng cuộc sống.
– Giáo dục bệnh nhân bao gồm theo dõi bỏ thuốc lá.
– Ngăn ngừa và kiểm soát stress, tức giận.
– Điều trị thuốc giãn phế quản.
– Khuyến khích tập luyện thể chất, tập ho hiệu quả, thay đổi lối sống, tăng sức bền cơ thể.
– Theo dõi chặt chẽ và quản lý chương trình điều trị.
IV. CÁC PHƯƠNG PHÁP VÀ KỸ THUẬT PHỤC HỒI CHỨC NĂNG
1.Phục hồi chức năng
Phục hồi chức năng hô hấp toàn diện làm giảm thời gian nằm viện, tăng sức bền cơ thể, giảm khó thở, tăng khả năng tham gia các hoạt động hàng ngày.
– Phục hồi sự gắng sức: bài tập chủ động tự do tay chân, đạp xe đạp hoặc đi bộ là các biện pháp thể lực rất tốt để phục hồi sự gắng sức của người bệnh. Số lần tập và thời gian mỗi lần tập có thể thay đổi nhưng phải đủ 30 – 60 phút mỗi ngày chia làm 1 – 2 lần trong ngày và 3 – 5 ngày mỗi tuần, tập luyện phải đƣợc duy trì thường xuyên trong một thời gian dài.
– Tập các kỹ thuật thở giúp kiểm soát nhịp thở và tránh hụt hơi, tăng lƣợng khí vào phổi, tiết kiệm sức khi thở, cải thiện khả năng vận động, tăng kiểm soát xúc cảm: Thở chúm môi, ngƣng thở cuối kỳ hít vào, thở bụng và thở ngực bụng.
– Làm sạch phổi: tập ho chủ động và thở ra mạnh, gắng sức giúp khạc đờm dễ dàng hơn mà không mất sức. Thực hiện với tư thế ngồi, hơi nghiêng người về phía trước.
– Tư thế tốt, thuận lợi cho hô hấp khi ngồi, khi đứng, làm giảm khó thở
– Tránh hao phí năng lượng, hỗ trợ cho hô hấp bằng cách sử dụng năng lượng cơ thể một cách hiệu quả, cải thiện bệnh tốt khi việc luyện tập được thực hiện ở cường độ gần với ngưỡng gây khó thở, tất cả các hoạt động không gây kiệt sức luôn có lợi cho bệnh nhân.
2. Thuốc
– Chống nhiễm khuẩn phế quản khi có dấu hiệu nhiễm khuẩn bằng kháng sinh
– Thuốc giãn phế quản: dùng thuốc kháng Cholinergic cứ 4-6 giờ khí dung hoặc xịt hít 1 lần. Nếu nặng có thể tiêm Diaphylin tĩnh mạch + Corticoid đường tiêm, uống, khí dung.
– Nếu có tâm phế mạn: điều trị suy tim kết hợp.
3. Các điều trị khác
– Thở oxy: lưu lượng 2 lít/phút, để duy trì SaO2 ≥ 90%, PaO2 ≥ 60mmHg. Nếu có suy hô hấp nặng, bệnh nhân rối loạn ý thức, tím tái, toan hô hấp mất bù cần phải thở máy.
– Điều trị phẫu thuật: ghép phổi, phẫu thuật cắt bỏ bóng khí thũng, phẫu thuật giảm thể tích phổi.
– Thay đổi lối sống: Ngưng hút thuốc lá, tránh những xúc cảm quá mức như quá buồn, quá vui hoặc bực tức, căng thẳng, sống lạc quan và hoạt động tối đa trong điều kiện sức khỏe cho phép, cố gắng giảm ô nhiễm nơi làm việc và nơi sống.
– Cải thiện tình trạng dinh dưỡng: ăn uống đầy đủ, chú ý tránh các thức ăn dễ gây dị ứng như tôm, thịt gà, bò… hoặc những thực phẩm, đồ uống nào mà trước đây bệnh nhân đã bị dị ứng.
V. THEO DÕI VÀ TÁI KHÁM
– Tái khám thường xuyên để theo dõi đều đặn chức năng phổi.
– Ngăn chặn và quản lý các đợt viêm cấp kịch phát làm giảm chức năng phổi, cải thiện triệu chứng.
Tham khảo:
- Dịch vụ trị liệu tại nhà
- Phục hồi chức năng tại nhà
- Phục hồi chức năng gãy thân xương đùi
- Phục hồi chức năng cho người tai biến mạch máu não tại nhà
- Châm cứu tại nhà