Hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi
Mục lục
Hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi là một bệnh thuộc nhóm bệnh hoại tử xương với tình trạng chết của các tế bào ở cả hai phần của xương là tủy mỡ tạo máu và các tế bào xương. Bệnh tiến triển từ từ âm thầm và để lại hậu quả nặng nề.
Định nghĩa
Hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi là một bệnh thuộc nhóm bệnh hoại tử xương với tình trạng chết của các tế bào ở cả hai phần của xương là tủy mỡ tạo máu và các tế bào xương. Bệnh tiến triển từ từ âm thầm và để lại hậu quả nặng nề.
Bệnh còn được gọi với các tên khác như hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi, hoại tử do thiếu máu cục bộ, hoại tử vô mạch, viêm tách xương sụn.
Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên phần lớn các trường hợp xuất hiện ở nam giới, dưới 50 tuổi. Tỷ lệ nam nữ vào khoảng 8:1.
Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh
Hiện tượng hoại tử xương là do tình trạng không cung cấp đủ lượng oxy cần thiết ở vùng tổ chức xương bị bệnh. Thường xảy ra ở phần tủy mỡ của xương, nơi có ít mạch máu nuôi dưỡng.
Hoại tử chỏm xương đùi có thể tự phát hoặc là hậu quả của một số tình trạng sinh lý hoặc bệnh lý như thai nghén, uống rượu, tắc mạch, chấn thương, do dùng thuốc.
Chẩn đoán
1.Chẩn đoán xác định
Dựa vào các yếu tố dịch tễ, tuổi và giới kết hợp với các triệu chứng lâm sàng (đau, hạn chế vận động khớp háng…) và các xét nghiệm hình ảnh (Xquang, CT Scan, MRI, xạ hình xương).
2.Giai đoạn bệnh
-Xác định giai đoạn bệnh thường được dựa vào các xét nghiệm hình ảnh và mô bệnh học.
-Theo Hiệp hội quốc tế về chuyển hóa và hoại tử xương bao gồm 7 giai đoạn:
Giai đoạn 0: các xét nghiệm chẩn đoán đều bình thường. Chẩn đoán dựa vào mô bệnh học, xuất hiện hoại tử trên sinh thiết xương.
Giai đoạn 1: Xquang quy ước và CT scan bình thường. Có bất thường trên xạ hình xương hoặc MRI, sinh thiết xương có hoại tử. Có thể có hoặc không có các biểu hiện lâm sàng.
Giai đoạn 2: Có các hình ảnh trên Xquang là hình ảnh xương chết rõ ở chỏm xương đùi.
Giai đoạn 3: Chỏm xương đùi có các biến đổi cơ học. Có dấu hiệu hình trăng lưỡi liềm xuất hiện ngay ở phần xương dưới sụn. Chỏm xương vẫn còn giữ hình dạng cầu.
Giai đoạn 4: Có bất kì bằng chứng nào của xẹp chỏm xương đùi với dấu hiệu hẹp khe khớp.
Giai đoạn 5: Có thể có bất kỳ hoặc tất cả các dấu hiệu về hình ảnh đã mô tả ở trên cùng với dấu hiệu hẹp khe khớp. Có các biểu hiện của thoái hóa khớp thứ phát sau các biến đổi cơ học của chỏm xương đùi, với các biểu hiện xơ hóa, nang xương ở phần ổ cối và có thể có gai xương.
Giai đoạn 6: Phá hủy nặng chỏm xương đùi với các biểu hiện thoái hóa nặng.
Điều trị
-Mục tiêu của điều trị nhằm bảo tồn cấu trúc tự nhiên của khớp càng lâu càng tốt.
-Việc lựa chọn phương pháp điều trị dựa vào mức độ tổn thương của chỏm xương đùi.
-Có 4 phương pháp được áp dụng bao gồm:
+Điều trị bảo tồn: với giai đoạn 0, 1, và 2 có thể điều trị bằng các biện pháp bảo tồn hoặc khoan giảm áp lực.
- Nghỉ ngơi hợp lý. Giảm trọng tải cho khớp háng bằng việc sử dụng gậy nạng.
- Giảm đau bằng thuốc chống viêm không steroid hoặc giảm đau đơn thuần.
- Kết hợp với các phương pháp vật lý trị liệu mang lại hiệu quả cao.
+Phẫu thuật thay khớp háng: áp dụng cho trường hợp đau kéo dài, đáp ứng với điều trị kém và mất chức năng vận động tiến triển nhanh. Thường ở giai đoạn 3 và 4. Đây là phương pháp triệt để và hiệu quả. Tuy nhiên chi phí tương đối cao.
+Khoan giảm áp chỏm: khi các biện pháp điều trị bảo tồn không mang lại hiệu quả. Thường áp dụng cho các trường hợp ở giai đoạn 1, 2 và 3. Kết quả tốt đạt từ 30-90% trường hợp.
+Tạo hình xương: là một kĩ thuật nhằm bảo tồn khớp. Phương pháp này loại bỏ phần xương bị bệnh nhằm phân bố lại lực tỳ đè vào phần sụn khớp được chống đỡ bởi tổ chức xương lành.
Tham khảo:
- Dịch vụ trị liệu tại nhà
- Điều trị đau thắt lưng tại nhà
- Điều trị đau cổ vai gáy tại nhà
- Phục hồi chức năng cho người tai biến mạch máu não tại nhà